VNINDEX1290.99 (-0.5 -0.04%)949,595,102 CP 21,526.04 Tỷ 149 87 233HNXINDEX235.72 (-0.2 -0.08%)97,591,086 CP 1,735.70 Tỷ 43 49 65VN301352.56 (1.71 0.13%)419,804,704 CP 11,901.50 Tỷ 15 5 12HNX30516.04 (-2.49 -0.48%)42,189,400 CP 977.46 Tỷ 8 6 16

Nga cảnh báo châu Âu: Giá khí đốt có thể tăng thêm 60% trong mùa đông này

Giá khí đốt ở châu Âu thiết lập kỷ lục mới, trong bối cảnh khu vực này chuẩn bị tinh thần cho khả năng bị Nga cắt cung cấp khí đốt hoàn toàn và các nước chạy đua làm đầy dự trữ khí đốt trước khi mùa đông bắt đầu.

Cùng ngày, hãng khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga cảnh báo giá khí đốt sẽ tiếp tục tăng chóng mặt.

KỶ LỤC MỚI CỦA GIÁ KHÍ ĐỐT

Theo trang Politico, trong phiên giao dịch ngày 16/8, giá khí đốt giao sau tại thị trường châu Âu lập kỷ lục 234,5 Euro/megawatt giờ. Cách đây 1 năm, giá khí đốt giao sau tại thị trường này là 28,8 Euro/megawatt giờ.

Trong một dự báo, Gazprom nói rằng “theo ước tính thận trọng”, giá khí đốt từ nay đến mùa đông có thể tăng thêm 60% từ mức hiện tại, lên mức 4.000 USD/1.000 mét khối.

Dòng chảy khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu đã giảm mạnh kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra cách đây 6 tháng. Giá khí đốt ở châu Âu vì vậy đã tăng mạnh, đẩy khu vực này vào một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có tiền lệ.

Politico dẫn số liệu công bố hôm 15/8 cho thấy Nga đã tụt hạng trong danh sách các nhà cung cấp khí đốt của Đức, để mất vị trí số 1 vào tay Na Uy. Trước đây, Na Uy cung cấp khoảng 1/5 lượng khí đốt mà Đức nhập khẩu, nhưng hiện nay con số này đã tăng lên gần 30% - theo tờ báo Đức Zeit. Năm 2021, Nga đáp ứng gần 40% nhu cầu nhập khẩu khí đốt của Đức.

Tuy nhiên, tỷ trọng gia tăng của Na Uy trong nhập khẩu khí đốt của Đức chủ yếu là do Nga giảm lượng cung cấp khí đốt cho châu Âu, thay vì do Na Uy tăng mạnh xuất khẩu khí đốt sang châu Âu. Thủ tướng Na Uy đã nói rõ rằng nếu không có thêm các dự án khí đốt mới, sẽ không có thêm nguồn cung. Tháng trước, nước này xuất khẩu tổng cộng 10,2 tỷ mét khối khí đốt, chỉ tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, do giá khí đốt tăng mạnh, kim ngạch xuất khẩu khí đốt tháng 7 của Na Uy tăng gấp 4 lần so với tháng 7/2021đạt 13 tỷ Euro.

“Giá khí đốt giao ngay tại châu Âu đã đạt 2.500 USD/1.000 mét khối. Theo ước tính thận trọng, nếu xu hướng này duy trì, giá sẽ vượt 4.000 USD/1.000 mét khối trong mùa đông này”, Gazprom cảnh báo.

Theo hãng tin Reuters, vào đầu năm nay, giá bán buôn khí đốt tại thị trường Hà Lan có lúc lập kỷ lục mọi thời đại gần 335 Euro/megawatt giờ. Phiên ngày 16/8, giá khí đốt bán buôn tại thị trường này dao động quanh ngưỡng 226 Euro/megawatt giờ, nhưng vẫn cao hơn nhiều mức 46 Euro/megawatt giờ cùng kỳ năm ngoái.

Trong tuyên bố ngày 16/8, Gazprom cũng cho biết lượng xuất khẩu khí đốt của công ty đã giảm 36,2% trong thời gian từ ngày 1/1-15/8 so với cùng kỳ năm ngoái, còn 78,5 tỷ mét khối; sản lượng giảm 13,2%, còn 274,8 tỷ mét khối.

 

Riêng trong tháng 8 này, sản lượng khí đốt của Gazprom đã giảm 32,2% so với cùng kỳ 2021, sau khi giảm 35,8% trong tháng 7 - theo chuyên gia kinh tế Evgeniy Suvorov thuộc ngân hàng CentroCerditBank. Ông Suvorov cũng cho rằng xuất khẩu khí đốt của Gazprom trong tháng 8 này đã giảm 59%, sau khi giảm 58,4% trong tháng trước so với cùng kỳ năm ngoái.

Lượng khí đốt mà Nga cung cấp cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 hiện giảm còn 20% công suất đường ống.

KHÍ ĐỐT NA UY - NIỀM HY VỌNG CỦA CHÂU ÂU

Theo dự báo, mức giá khí đốt cao ngất ngưởng ở châu Âu sẽ duy trì, vì thời tiết nắng nóng ở châu Âu trong thời gian còn lại của mùa hè sẽ đẩy cao nhu cầu tiêu thụ điện để chạy điều hoà không khí, trong khi sản lượng điện gió, thuỷ điện và điện hạt nhân đều đang giảm. Các nhà máy điện trong khu vực vẫn đang phải dựa nhiều vào khí đốt để phát điện.

Giá khí đốt cao cũng gây khó khăn cho việc làm đầy dự trữ khí đốt của các nước châu Âu - công việc vốn thường được tiến hành vào mùa hè hàng năm khi giá khí đốt xuống thấp. Dù vậy, Đức đang đi trước kế hoạch trong việc làm đầy dự trữ khí đốt, với mức dự trữ hiện đạt 77%. Mục tiêu của Berlin là đến ngày 1/11 đạt mức dự trữ khí đốt 95%.

Trong lúc nguồn cung khí đốt Nga suy giảm, các nước châu Âu đang hy vọng sẽ mua được nhiều khí đốt hơn từ Na Uy. Trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào hôm 15/8, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store nói rằng ngành năng lượng Na Uy sẽ ưu tiên cung cấp nhiều khí đốt nhất có thể cho châu Âu để chống lại ảnh hưởng của việc Nga giảm bơm khí đốt cho châu Âu.

Sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, Bộ Năng lượng Na Uy đã phê chuẩn giấy phép tăng sản lượng đối với một số mỏ khí đốt lớn của nước này, nhưng cảnh báo rằng mức sản lượng tăng thêm có thể sẽ không được nhiều.

“Chúng tôi đã tăng xuất khẩu khí đốt khoảng 10%, thực sự tối đa rồi. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để duy trì một mức cao”, Thủ tướng Store phát biểu hôm 15/8.

Ngày 16/8, các công ty năng lượng của Đức đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) với Chính phủ nước này nhằm duy trì cung cấp đầy đủ đến tháng 3/2024 cho hai cảng khí hoá lỏng (LNG) nổi trên mặt biển của nước này. Hai cảng LNG này sẽ đáp ứng khoảng 1/5 nhu cầu khí đốt của Đức khi đi vào hoạt động vào cuối năm nay.

Đây là một phần trong nỗ lực của Đức nhằm “cai” khí đốt Nga, nhưng “không có một kịch bản nào được đảm bảo cho mùa đông tiếp theo. Thách thức rất lớn để có thể đoán trước chuyện gì sẽ xảy ra” - Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck phát biểu sau khi ký MoU nói trên.
Nguồn: vneconomy

GỬI BÌNH LUẬN MỚI
Gửi bình luận
Bình luận