Trong tuần 30/10 – 3/11, VN-Index duy trì xu hướng tiêu cực trong 2 phiên đầu tuần với áp lực bán gia tăng ở hầu hết các nhóm ngành khiến cho chỉ số chung đã có lúc giảm về sát khu vực 1.020. Tại mốc này lực cầu có dấu hiệu chủ động mua vào, phe mua dần chiếm ưu thế từ đó giúp chỉ số hồi phục trong phiên ngày 1/11. Trong 2 phiên cuối tuần, VN-Index liên tục tăng điểm và chốt tuần tại 1.076,78 điểm.
Tính chung cả tuần, VN-Index hồi phục 16,16 điểm, tương đương tăng 1,52% so với cuối tuần trước. Diễn biến hồi phục của chỉ số trong tuần được dẫn dắt bởi các bluechip như VCB, HPG và MSN khi bộ ba này đóng góp tổng cộng hơn 10 điểm cho sắc xanh của chỉ số.
Trong khi đó, MWG và VPB là 2 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số trong tuần với mức tác động giảm lần lượt 0,91 điểm và 0,76 điểm.
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên sàn HOSE: Tâm điểm xả VHM, MWG
Thống kê theo từng mã, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với giá trị 294,5 tỷ đồng. Tuần qua, cổ phiếu của ông lớn ngành thép có nhịp tăng gần 7,5% lên 25.100 đồng/cp.
Cùng chiều, cổ phiếu DGC và PDR cũng được gom ròng với quy mô 253,4 tỷ và 119,9 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại còn tìm đến nhiều đại diện như VCI, PVD, VCB, FRT, GEX, VND, VCG với giá trị 74 – 118 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, cổ phiếu VHM bị rút ròng mạnh nhất với 1.400 tỷ đồng, bỏ xa MWG xếp thứ hai trong danh mục rút ròng với giá trị 490,4 tỷ đồng. Điều này cho thấy có sự thay đổi trong vị thế giao dịch của khối ngoại với cổ phiếu của Vinhomes, do tuần trước đó mã này được dòng tiền ngoại ưa thích nhất với quy mô hơn 500 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, dữ liệu từ Wichart chỉ ra Vinhomes tiếp tục là quán quân lợi nhuận trên sàn chứng khoán với mức lãi ròng 10.695 tỷ, song con số này lại giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng doanh thu thuần của Vinhomes đạt 32.700 tỷ đồng trong quý vừa qua, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương quý liền trước. Đóng góp lớn vào lợi nhuận của Vinhomes là nhờ bàn giao 2.400 căn bất động sản thấp tầng tại đại dự án Vinhomes Ocean Park 3.
Trở lại với giao dịch của NĐT nước ngoài, danh mục bán ròng của khối này còn có sự góp mặt của một số cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình như VPB (77,9 tỷ đồng), DPM (57,1 tỷ đồng), HDB (52,9 tỷ đồng), CTG (32,1 tỷ đồng), OCB (28,9 tỷ đồng), HCM (23 tỷ đồng) và SAB (20,7 tỷ đồng).
Tại giao dịch chứng chỉ quỹ, FUESSVFL cũng bị rút ròng nhẹ với giá trị 24 tỷ đồng.
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên sàn HNX: Tiếp tục mua ròng gần 420 tỷ đồng
Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 4/5 phiên. Tính chung cả tuần khối này tiếp tục mua ròng gần 416 tỷ đồng, với khối lượng hơn 25 triệu đơn vị.
Ở chiều mua, nhóm này rót ròng gần 282,2 tỷ đồng gom cổ phiếu SHS của Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội. Bên cạnh đó, danh mục mua ròng có sự góp mặt của PVS (70,3 tỷ đồng), IDC (51,9 tỷ đồng), TNG (20,6 tỷ đồng), CEO (6,5 tỷ đồng), …
Chiều ngược lại, khối ngoại tập trung bán ròng 18,8 tỷ đồng ở cổ phiếu PVI, theo sau là 2,6 tỷ đồng mã VCS, cùng với đó là các giao dịch bán ròng các cổ phiếu như TVD, BVS, SLS ... với giá trị quanh 1 tỷ đồng.
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên thị trường UPCoM: Chỉ còn bán ròng nhẹ gần 2 tỷ đồng
Trên thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng 3 phiên và mua ròng 2 phiên. Tổng cộng, NĐT ngoại bán ròng nhẹ chưa đến 2 tỷ đồng.
Tại chiều mua, cổ phiếu VTP của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) dẫn đầu với quy mô hơn 21,3 tỷ đồng. Kế tiếp, nhà đầu tư nước ngoài cũng gom ròng 11,2 tỷ đồng mã MCH và các giao dịch tương tự với quy mô thấp hơn như MPC, VGG, GHC, …
Tại chiều bán, nhóm nhà đầu tư ngoại bán ròng mạnh nhất 23,9 tỷ đồng ở cổ phiếu VEA của Lọc Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP. Theo sau là các giao dịch bán ròng các cổ phiếu LTG (4,5 tỷ đồng), QTP (3,1 tỷ đồng), ABI (2,6 tỷ đồng) hay CST (1,6 tỷ đồng).