Sau khi tăng mạnh gần 3% và tiệm cận vùng 1.070 điểm trong tuần trước, VN-Index ghi nhận một tuần giao dịch lình xình trong vùng 1.060 – 1.070 điểm.
Về diễn biến cụ thể, VN-Index ghi nhận hai phiên giao dịch đầu tuần với không nhiều điểm nhấn và thay đổi về điểm số không đáng kể, dù cho vẫn có sự phân hóa nhất định giữa các nhóm ngành và cổ phiếu. Những phiên còn lại của tuần, chỉ số biến động mạnh hơn nhưng tăng giảm đan xen và do đó kết tuần gần như không thay đổi so với tuần trước. Tính chung cả tuần, VN Index tăng 0,17 điểm, tương đương tăng 0,02% so với tuần trước.
Giá trị giao dịch khớp lệnh trung bình trên toàn thị trường đạt 13.028 tỷ đồng, tăng 10,78% so với tuần trước. Nhìn chung, dòng tiền tiếp tục sự luân chuyển giữa các nhóm ngành, theo đó khiến các cổ phiếu tăng giảm đan xen trong phiên và tạo ra sự phân hóa khá rõ rệt. Kết tuần, nhóm ngành dịch vụ tài chính và công nghệ thông tin ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong tuần vừa qua, lần lượt là 5,08% và 4,87%.
NĐT cá nhân chuyển hướng mua ròng 1.015 tỷ đồng, dòng tiền tập trung ở nhóm ngân hàng
Theo thống kê của FiinTrade, giao dịch mua ròng của NĐT cá nhân chiếm ưu thế khi diễn ra tại 10/18 nhóm ngành. Cổ phiếu ngân hàng được mua ròng 581 tỷ đồng, là giá trị lớn nhất trong tuần.
Theo sau, dòng tiền cá nhân cũng mua ròng các đại diện thuộc nhóm thực phẩm & đồ uống (392 tỷ đồng), hóa chất (212 tỷ đồng), bảo hiểm (75 tỷ đồng), bán lẻ (66 tỷ đồng), …
Giao dịch bên bán tập trung ở nhóm bất động sản và tài nguyên cơ bản với quy mô lần lượt là 440 tỷ đồng và 419 tỷ đồng. Áp lực bán đến từ NĐT cá nhân cũng được chứng kiến ở nhóm dịch vụ tài chính, dầu khí, điện, nước & xăng dầu khí đốt với giá trị thấp hơn.
Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, cổ phiếu VNM của Vinamilk ghi nhận giá trị giao dịch ròng trên 281 tỷ đồng. Giao dịch của NĐT cá nhân gần như đối ứng với lực xả của khối ngoại.
Lực mua các cá nhân cũng tìm đến CTG của VietinBank với giá trị 202 tỷ đồng. Dòng tiền các cá nhân trong nước cũng tìm đến nhiều cổ phiếu ngân hàng khác như ACB (137 tỷ đồng), SHB (136 tỷ đồng), VPB (115 tỷ đồng), STB (103 tỷ đồng). Top 10 mua ròng còn có sự góp mặt của các cổ phiếu như DPM (93 tỷ đồng), NVL (77 tỷ đồng), DCM (65 tỷ đồng) và VJC (59 tỷ đồng).
Tại chiều bán ròng, giao dịch tập trung mạnh nhất ở HPG với 472 tỷ đồng. Đây cũng là mã bị rút ròng mạnh nhất trong hai tuần trước đó.
Kế tiếp, cá nhân trong nước cũng bán ròng bộ ba cổ phiếu họ Vingroup là VHM (250 tỷ đồng), VRE (202 tỷ đồng), VIC (168 tỷ đồng). Cùng chiều, các cá nhân rút ròng dưới 100 tỷ đồng như POW, VCB, PVD, SSI, MBB, VND.
Tổ chức nội quay đầu bán ròng hơn 2.310 tỷ đồng, tâm điểm ACB
Giao dịch trái chiều với nhóm cá nhân trong nước, tổ chức nội đẩy mạnh bán ròng 2.311 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ rút ròng 166 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 13/18 ngành, giá trị lớn nhất là nhóm du lịch & giải trí với 81 tỷ đồng, theo sau là nhóm cổ phiếu thực phẩm & đồ uống (55 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (45 tỷ đồng), hóa chất (37 tỷ đồng), …
Trong khi đó, dòng tiền của tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu dầu khí và tài nguyên cơ bản với quy mô vào ròng lần lượt là 47 tỷ và 43 tỷ đồng.
Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước không có nhiều điểm nhấn khi không có mã nào được gom ròng trên 100 tỷ đồng.
Cổ phiếu SSI của Chứng khoán SSI ghi nhận giá trị vào ròng mạnh nhất với 61,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổ chức nội cũng mua ròng 52,5 tỷ đồng mã VRE.
Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng các cổ phiếu vốn hóa lớn rổ VN30 như POW (49,6 tỷ đồng), HPG (48,8 tỷ đồng) và MBB (43,5 tỷ đồng).
Ở phía đối diện, cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu bị xả ròng mạnh nhất với quy mô 131 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cổ phiếu VJC và GAS của cũng bị bán ròng lần lượt 80,8 tỷ đồng và 55,3 tỷ đồng.