VN-Index chịu áp lực bán và có dấu hiệu tạo đính ngắn hạn trong tuần vừa qua sau khi tiếp cận khu vực điểm 1.115. Việc thanh khoản bán chủ động liên tục gia tăng vào những phiên cuối tuần đã khiến cho thị trường hụt hơi và không còn duy trì được nhịp tăng điểm, đảo chiều về quanh khu vực 1.100.
Về diễn biến cụ thể, VN-Index có được phiên giao dịch đầu tuần tăng điểm mở gap tích cực với sắc xanh lan tỏa ở tất cả các nhóm ngành giúp thị trường tiệm cận lại khu vực 1.100. Với sự hưng phấn và thanh khoản liên tục được cải thiện, VN-Index tiếp tục nối dài nhịp tăng lên vùng điểm 1.110. Tuy nhiên, áp lực chốt lời ngắn hạn liên tục xuất hiện sau đó đã khiến cho thị trường hụt hơi, đảo chiều và đóng cửa tuần tại 1.107. Tính chung cả tuần, VN-Index tăng 16,69 điểm, tương đương 1,53% so với tuần trước.
Trong tuần vừa qua, cổ phiếu thép và xây dựng có được sắc xanh lần lượt là 3,5% và 1,5%. Kịch bản dòng tiền ở các nhóm nhà đầu tư không có sự thay đổi với bên mua ròng vẫn là NĐT cá nhân và khối tự doanh, trong khi tổ chức trong nước và khối ngoại là hai bên bán ròng.
Dòng tiền cá nhân gom mạnh cổ phiếu ngành thực phẩm
Theo thống kê của FiinTrade, giao dịch mua ròng của NĐT cá nhân chiếm ưu thế khi diễn ra tại 10/18 nhóm ngành. Cổ phiếu thực phẩm & đồ uống vươn lên trở thành ngành được mua ròng mạnh nhất với 871 tỷ đồng.
Theo sau, dòng tiền cá nhân cũng mua ròng các đại diện thuộc nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp (326 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (141 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (124 tỷ đồng), bất động sản (115 tỷ đồng), …
Giao dịch bên bán vẫn tập trung ở nhóm dịch vụ tài chính với quy mô 831 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán có tuần giao dịch với tỷ trọng giá trị giao dịch tăng lên 16,29% toàn thị trường, chỉ số giá ngành tăng 2,31% trong tuần. Điều này cho thấy nhóm này có cầu chủ động mua vào. Tính từ đầu năm, nhóm này tăng 30,2% nhưng trong vòng một năm vẫn giảm 11,5%.
Bên cạnh đó, ngành tài nguyên cơ bản cũng bị rút ròng gần 446 tỷ đồng. Áp lực bán đến từ NĐT cá nhân cũng được chứng kiến ở các ngành hóa chất, bán lẻ, dầu khí với giá trị thấp hơn.
Lực mua các cá nhân cũng tìm đến GEX của Tập đoàn Gelex với giá trị 174 tỷ đồng. Dòng tiền các cá nhân trong nước cũng tìm đến nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình như DIG (160 tỷ đồng), VRE (155 tỷ đồng), CTG (133 tỷ đồng), REE (112 tỷ đồng), VGC (105 tỷ đồng), POW (90 tỷ đồng), HCM (86 tỷ đồng), BID (85 tỷ đồng).
Tại chiều bán ròng, giao dịch tập trung mã ở SSI với 457 tỷ đồng. Đây cũng là mã bị rút ròng mạnh nhất trong tuần trước đó. Tương tự, một ông lớn nhóm chứng khoán khác cũng nằm trong danh mục rút ròng là VND với 390 tỷ đồng.
Mặc dù mua ròng VRE, cá nhân trong nước tiếp tục bán ròng VHM (163 tỷ đồng). Hai đại diện ngành thép là HPG và HSG cũng có mặt trong top 5 bán ròng với quy mô 245 tỷ đồng và 152 tỷ đồng.
Cùng chiều, các cá nhân rút ròng dưới 100 tỷ đồng một số đại diện ngành hóa chất (DGC), bất động sản (KBC), ngân hàng (STB, MBB, VCB).
Giao dịch trái chiều với nhóm cá nhân trong nước, tổ chức nội bán ròng 548 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ rút ròng 293 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 13/18 ngành, giá trị lớn nhất là nhóm bất động sản với 285 tỷ đồng, theo sau là nhóm cổ phiếu hàng & dịch vụ công nghiệp (183 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (120 tỷ đồng), ngân hàng (114 tỷ đồng), …
Trong khi đó, dòng tiền của tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu dịch vụ tài chính với quy mô vào ròng là 380 tỷ đồng. Tương tự, nhóm tài nguyên cơ bản cũng được gom ròng gần 265 tỷ đồng.
Tổ chức tiếp tục bán ròng qua kênh khớp lệnh, tâm điểm DIG, REE, VPB
Thống kê giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước, cổ phiếu SSI của Chứng khoán SSI ghi nhận giá trị vào ròng mạnh nhất với 149 tỷ đồng. Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng các cổ phiếu ngành chứng khoán, thép, hóa chất như VND (138 tỷ đồng), HPG (138 tỷ đồng), HSG (88 tỷ đồng), DGC (66 tỷ đồng).
Ở phía đối diện, cổ phiếu DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) bị xả ròng mạnh nhất với quy mô 148 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cổ phiếu REE của Cơ điện lạnh cũng bị bán ròng 121 tỷ đồng, VPB (110 tỷ đồng), KDH (91 tỷ đồng), PNJ (54 tỷ đồng), …