Trong tuần đầu tháng 8, VN-Index giao dịch giằng co, rung lắc cùng với sự phân hóa với những phiên tăng giảm đan xen. Về diễn biến cụ thể, VN-Index duy trì sự tích cực trong phiên giao dịch đầu tuần với sắc xanh lan tỏa ở hầu hết tất cả các nhóm ngành giúp chỉ số chung vượt lên trên khu vực 1.220.
Tuy nhiên, sự thận trọng trong tâm lý nhà đầu tư được thể hiện rõ ràng thông qua việc thanh khoản bán chủ động liên tục gia tăng ngay trong phiên sau đó khi VN-Index vừa tiếp cận khu vực 1.230.
Điểm tích cực của thị trường trong giai đoạn này là sự phân hóa vẫn được duy trì khi lực cầu vẫn luân phiên tìm đến các nhóm ngành riêng lẻ. Theo thống kê, trong tuần vừa qua, nhóm cổ phiếu bất động sản tăng mạnh nhất với tỷ lệ trên 6,3%.
Giá trị giao dịch khớp lệnh trung bình trên cả 3 sàn đạt gần 24.041 tỷ đồng, tăng 12,9% so với tuần trước. Kịch bản dòng tiền qua kênh khớp lệnh của các nhóm nhà đầu tư đã có sự thay đổi so với tuần trước khi nhóm nhà đầu tư cá nhân mua ròng trở lại với giá trị 470 tỷ đồng.
Ngược lại, khối ngoại đảo chiều sang bán ròng 262 tỷ đồng trong tuần qua. Trong khi đó, tổ chức trong nước bán ròng tuần thứ 3 liên tiếp, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán mua ròng tuần thứ 6 liên tục.
NĐT cá nhân quay đầu xả ròng cổ phiếu ngân hàng
Theo thống kê của FiinTrade, giao dịch của NĐT cá nhân nghiêng về bên mua khi diễn ra tại 12/18 nhóm ngành.
Trong đó, cổ phiếu tài nguyên cơ bản được mua ròng hơn 374 tỷ đồng, là giá trị lớn nhất trong tuần. Theo sau, dòng tiền cá nhân cũng mua ròng các đại diện thuộc nhóm bán lẻ (275 tỷ đồng), bất động sản (250 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (183 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (174 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (129 tỷ đồng), …
Ở phía đối diện, giao dịch bên bán tập trung ở nhóm ngân hàng với quy mô 591 tỷ đồng. Áp lực bán đến từ NĐT cá nhân cũng được chứng kiến ở nhóm hóa chất, thực phẩm & đồ uống với giá trị lần lượt là 182 tỷ và 153 tỷ đồng.
Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận giá trị vào ròng gần 417 tỷ đồng. Giao dịch của NĐT cá nhân gần như đối ứng với lực xả của khối ngoại và tổ chức trong nước.
Lực mua các cá nhân cũng tìm đến MWG của Thế Giới Di Động với giá trị 367 tỷ đồng. Dòng tiền các cá nhân trong nước cũng tìm đến nhiều cổ phiếu lớn như TCB (269 tỷ đồng), CTD (162 tỷ đồng), VCB (140 tỷ đồng), NVL (138 tỷ đồng), …
Tại chiều bán ròng, giao dịch tập trung mạnh nhất ở SHB với 386 tỷ đồng. Kế đó, NĐT cá nhân duy trì bán ròng gần 264 tỷ đồng mã ACB.
Song song đó, NĐT cá nhân cũng bán ròng các cổ phiếu như DCM (189 tỷ đồng), NLG (168 tỷ đồng), MSN (147 tỷ đồng), CTG (148 tỷ đồng), SSB (88 tỷ đồng), FRT (82 tỷ đồng), GMD (65 tỷ đồng),
Tổ chức nội đẩy mạnh bán ròng hơn 1.360 tỷ đồng
Giao dịch trái chiều với nhóm cá nhân trong nước, tổ chức nội bán ròng 1.363 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ bán ròng 1.488 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 11/18 ngành, giá trị lớn nhất là hàng & dịch vụ công nghiệp với 471 tỷ đồng, theo sau là tài nguyên cơ bản (273 tỷ đồng), bán lẻ (262 tỷ đồng), …
Trong khi đó, dòng tiền của tổ chức trong nước tìm đến cổ phiếu ngân hàng , xây dựng & vật liệu với quy mô vào ròng lần lượt là 36 tỷ và 31 tỷ đồng, ngoài ra còn có dầu khí, điện, nước & xăng dầu khí đốt, hóa chất, thực phẩm & đồ uống với giá trị không đáng kể.
Thống kê giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước, cổ phiếu SHB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội ghi nhận giá trị vào ròng mạnh nhất với 305 tỷ đồng. Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng các cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình như ACB (208 tỷ đồng), NLG (65 tỷ đồng), PTB (40 tỷ đồng) và MSB (39 tỷ đồng).
Ở phía đối diện, cổ phiếu TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam bị rút ròng mạnh nhất với quy mô 295 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cổ phiếu GMD của Gemadept cũng bị bán ròng 292 tỷ đồng. Ngoài ra, Top 5 rút ròng còn có sự góp mặt của HPG (280 tỷ đồng), MWG (262 tỷ đồng) và NVL (192 tỷ đồng).