Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 151,39 điểm, tương đương tăng 0,45%, chốt ở 33.912,44 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,4%, đạt 4.297,14 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,62%, đạt 13.128,05 điểm.
Phiên này đánh dấu lần đầu tiên kể từ ngày 20/4, Dow Jones đóng cửa trên mức bình quân 200 ngày - một ngưỡng điểm được xem là chỉ báo quan trọng về xu hướng của thị trường.
Các chỉ số đã khởi động phiên giao dịch trong trạng thái giảm, dẫn đầu là sự đi xuống của các nhóm cổ phiếu tài chính và năng lượng. Sau đó, sắc xanh dần quay trở lại với sự dẫn dắt của các nhóm tiêu dùng thiết yếu, dịch vụ truyền thông và tiêu dùng không thiết yếu. Cổ phiếu Tesla giữ vai trò chủ đạo đưa nhóm công nghệ đi lên.
Phiên tăng này diễn ra bất chấp số liệu gây thất vọng của kinh tế Trung Quốc và động thái giảm lãi suất nằm ngoài dự báo của Ngân hàng Trung ương nước này (PBOC) - diễn biến làm dấy lên lo ngại mới về triển vọng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
“Tôi cho rằng thị trường này đang khiến nhiều người cảm thấy không được thoải mái cho lắm. Theo như những gì đang diễn ra, có thể thấy thị trường đã chuẩn bị tinh thần để đón nhận những tin tức xấu, nên khi có tin xấu, thị trường không còn bị ảnh hưởng nữa”, chuyên gia Keith Lerner của Truist phát biểu với hãng tin CNBC.
Số liệu về Trung Quốc cho thấy sản lượng công nghiệp và doanh thu bán lẻ của nước này đều không đạt dự báo của giới phân tích. Điều này cho thấy các biện pháp chống Covid-19 nghiêm ngặt của Chính phủ Trung Quốc tiếp tục gây trở ngại cho các hoạt động sản xuất và du lịch, trong khi thị trường địa ốc Trung Quốc vẫn đang chìm sâu trong khủng hoảng.
Chứng khoán thế giới tăng điểm trong phiên đầu tuần, với chỉ số MSCI All Country World Index tăng 0,23%. Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu tăng 0,34%. Tuy nhiên, thị trường châu Á có một phiên giảm điểm, với chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương giảm 0,34%.
“Chúng ta đang chứng kiến xu hướng giảm tốc của kinh tế Trung Quốc bị khuếch đại bởi các đợt phong toả. Vấn đề tín dụng, nhất là của các cong ty phát triển địa ốc, đang khiến Trung Quốc không có nhiều dư địa để kích cầu mạnh. Tuy nhiên, tôi cho rằng họ sẽ cố gắng nới lỏng chính sách”, nhà quản lý danh mục Tom Plumb của Plumb Balanced Fund nhận định trên Reuters.
Tính đến tuần trước, S&P 500 đã có 4 tuần tăng liên tiếp, đánh dấu chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 2021. Động lực tăng của thị trường trong tuần trước là số liệu của Mỹ cho thấy lạm phát ở nước này đã yếu đi. Cả Nasdaq và Dow Jones cũng tăng trong tuần trước.
Tuần này, Phố Wall sẽ đón nhận báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 của nhiều hãng bán lẻ lớn, bao gồm Home Depot, Walmart và Target. Điều mà nhà đầu tư chờ đợi từ những báo cáo này là những dấu hiệu cho thấy lạm phát đã ảnh hưởng như thế nào đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ.
Trên thị trường dầu thô, những dữ liệu xấu về kinh tế Trung Quốc đã dẫn tới một phiên giảm mạnh của giá dầu.
Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 3,1%, chốt ở 95,1 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York trượt 2,9%, còn 89,41 USD/thùng.
Theo CNBC, khối lượng hợp đồng mở (open interest - tổng vị thế mua/bán trên đang treo thị trường) của dầu Brent trong tháng 8 này giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Khối lượng hợp đồng mở vẫn đang giảm. Nhiều nhà tham gia thị trường không còn quan tâm đến dầu vì giá biến động mạnh quá. Theo quan điểm của tôi, đó là một nguyên nhân gây ra áp lực giảm lên giá dầu”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS nhận định. Ông Staunovo nói thêm rằng nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm trong phiên ngày thứ Hai là dữ liệu xấu từ Trung Quốc.
Theo thống kê của Chính phủ Trung Quốc, sản lượng của các nhà máy lọc dầu ở nước này trong tháng 7 giảm còn 12,53 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.
Phiên này, giá dầu còn chịu áp lực giảm khi đồng USD tăng giá khá mạnh trở lại sau khi sụt giảm trong tuần trước. Dầu được định giá bằng USD, nên khi đồng bạc xanh tăng giá, dầu thường giảm giá và ngược lại.
Cuộc đàm phán về khôi phục thoả thuận hạt nhân Iran 2015 tiếp tục có bước tiến. Iran cho biết sắp đưa ra phản hồi về văn kiện dự thảo cuối cùng của thoả thuận mà châu Âu đưa ra, đồng thời kêu gọi Mỹ linh hoạt để giải quyết ba vướng mắc còn lại. Nếu thoả thuận hạt nhân được khôi phục, lệnh trừng phạt của phương Tây đối với xuất khẩu dầu của Iran sẽ được gỡ bỏ, và xuất khẩu dầu của nước này sẽ tăng mạnh trở lại.
Nguồn: Vneconomy