Thời gian vừa qua cả 2 mặt hàng Cà phê vẫn duy trì được đà tăng ấn tượng bất chấp những tín hiệu tiêu cực từ thị trường tài chính toàn cầu.
Bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu
- Thị trường tài chính toàn cầu 2 tuần vừa qua trải qua nhiều biến động rất mạnh do tin tức biến thể Covid-19 tại Nam Phi khiến giá Dầu cũng như nhiều loại hàng hóa khác chao đảo.
- Bên cạnh đó Chủ tịch FED Jerome Powell ra tín hiệu sẽ nhanh chóng thắt chặt lại chính sách tiền tệ, tăng lãi suất trong thời gian sớm nhất nhằm kiềm chế lạm phát cao càng gây thêm áp lực trên thị trường tài chính chung.
Tin tức về Cà phê
Nguồn cung gián đoạn do khó khăn trong khâu vận chuyển
- Hiệp hội Cà phê Brazil và Colombia khẳng định nguồn cung không thiếu, nhưng khó khăn trong khâu vận chuyển khiến nguồn cung bị hạn chế.
- Yếu tố thời tiết không thuận lợi khi Vành đai cà phê Thái Bình Dương xuất hiện mưa nhiều, gây bất lợi cho nhiều quốc gia sản xuất, trong khi lại gây khô hạn cho vùng trồng cà phê Arabica chính ở phía Đông Nam Brazil.
- Theo Rabobank, xuất khẩu cà phê từ Brazil và các nước sản xuất bị định trệ do quá trình vận chuyển không thuận lợi. Tuần cuối tháng 10, giá cà phê arabica bắt đầu tăng mạnh do dự báo nguồn cung từ Brazil có xu hướng giảm sau đợt hạn hán và băng giá nghiêm trọng.
Xuất khẩu Cà phê Robusta của Việt Nam cũng gặp khó
- Trong niên vụ cà phê 2020-2021 (từ tháng 10/2020 đến tháng 9/2021), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,81 triệu tấn, giảm 10,6% so với niên vụ 2019/2020 do ảnh hưởng của thời gian giãn cách xã hội.
- Theo dự báo của Bộ phận Nông nghiệp nước ngoài (FAS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong niên vụ cà phê 2021-2022 Việt Nam sẽ xuất khẩu tăng 980.000 bao cà phê so với niên vụ 2020-2021. Tuy nhiên, sản lượng cà phê Robusta xuất khẩu của Việt Nam tăng không bù đắp được lượng hàng bị ách tắc, không thể giao hàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong vài tháng trước.